Nguyễn Thị Trà Giang đang là sinh viên năm 3 trường Đại học Ngoại Thương cơ sở phía nam. Quê ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. Thời học sinh là một học sinh giỏi, và là một trong các học sinh giỏi Văn của tỉnh Lâm Đồng.
Truyện ngắn “Nghiêng” này được viết vào 8-9-2009. Thời điểm này Giang chỉ mới bước vào đầu lớp 11.
Đã lâu rồi Giang không đặt bút viết truyện ngắn. Hôm nay lục lọi lại cái thư mục tên Mine trong máy tính, mới để ý năm 2009 là năm mình viết nhiều nhất ^^ Có lẽ đó là khi mình đang mộng mơ nhất…
Giang hay đặt tên nhân vật nữ của mình là Nguyên, hoặc Nghi, còn nhân vật nam là Phong… Phong, đơn giản vì Giang thích gió. Còn Nguyên hay Nghi, thì đó là một bí mật ^^
Đọc lại truyện này vẫn thấy buồn cười vì sự ngô nghê của nó. Ngày đó chỉ cắm cúi đầu vào học, có mến ai cũng chỉ âm thầm mà thôi… Giờ qua rồi mới thấy tiếc vì mình không thể có được thứ tình cảm học trò ngây thơ trong sáng ấy nữa. Đúng như một câu Giang đã đọc được ở đâu đó: “Hai mươi năm nữa, bạn sẽ nuối tiếc về những điều mình chưa làm nhiều hơn những điều bạn đã làm”…
Trong truyện này có 1 đứa con gái, 1 đứa con trai, 1 lớp học, và một chút xíu môn toán, cái môn mà tớ bị ám ảnh đau khổ nhất. Đọc xong đừng cười tớ nha ^^
1. Bức tường vô hình
Trời đang mưa, gió thốc những hạt nước bé xíu ùa qua ô thông gió, phủ lên vở Nghi một lớp bụi nước mát lạnh như sương khói. Phong, cậu bạn ngồi cạnh đang khoanh tay ngủ gục ngon lành, khuôn mặt bầu bĩnh như trẻ thơ. Nghi nhìn ra mảnh sân ngập nước, môi khe khẽ một nụ cười. Giờ ra chơi, lũ con trai chạy rầm rập ngoài hành lang, té nước tung toé hệt như lũ con nít bắng nhắng. Chỉ có Phong là vẫn chìm trong “giấc mơ vàng”. Nhưng trống đã tùng tùng vào tiết, thằng nhóc nuối tiếc ngồi dậy, che miệng ngáp dài.
“Nghi ơi, cho mượn cây bút chì!” – hắn gọi khẽ. Nghi lặng lẽ lấy cây bút đưa cho Phong. Tay trái hắn thoải mái cào mái tóc rối tinh, trong khi tay phải ngoáy lia lịa phần trả lời câu hỏi vào vở. Nghi lắc đầu nhìn cậu bạn ngồi cạnh, rồi tiếp tục chú ý vào phần đang học.
Ngồi cạnh nhau đã hơn một tháng, những mẩu chuyện giữa hai người vẫn diễn ra tẻ nhạt và rời rạc như thế. Một con bé kiệm lời và một thằng con trai tuy không đến nỗi nhút nhát, nhưng cũng chẳng bạo dạn tẹo nào; đặt cạnh nhau như hai đường thẳng song song, ai cũng khư khư giữ lấy cái Tôi to đùng của mình, chẳng chịu chia sẻ với ai.
Có một bức tường vô hình mang tên “Ngại” dựng lên giữa họ.
2. Cửa sổ nhỏ.
Phong mới chuyển vào lớp từ đầu năm nay. Cô xếp Phong ngồi cạnh Nghi, một cô bé trầm ơi là trầm, cạy miệng mới nói được nửa câu. Phong đã thử bắt chuyện bằng cách hỏi mượn vở, hay bút thước, nhưng bạn ý chỉ im lặng làm theo, chẳng bao giờ hé răng. Cái đồ… con gái chảnh choẹ.
Nhiều lúc Phong ghen tị với… cái cửa sổ, vì cửa sổ còn được Nghi chăm chú để ý. Có cái gì đâu: một cái khung gỗ hình chữ nhật sơn màu xanh dương bao ngoài một mảnh kính mờ mờ (có mấy khi lau đâu mà đòi trong veo), đóng khung một phần cây phượng già cỗi cùng mảnh sân xám xịt. Chấm hết. Ngày này qua ngày khác, cũng chỉ có thế. Trong khi Phong ngồi cạnh, có xí đến thế nào đi chăng nữa thì cũng là một sinh vật sống, biết vui buồn, biết phản ứng, mới lạ từng ngày; thế mà Nghi chẳng mấy khi lé mắt nhìn một tẹo.
Một tháng học ở đây, Phong đã quen với gần hết các bạn trong lớp, thậm chí còn có một vài thằng bạn khá hợp gu. Nhưng với Nghi thì…
Đôi lần đi chơi bóng rổ với hội con trai trong lớp, Phong rụt rè đem thắc mắc hỏi Lâm lớp trưởng. Nó cười toe toét: “Nhỏ Nghi đâu phải giờ mới vậy đâu. Từ năm ngoái mới vào đã vậy rồi, mày cũng chẳng nên để ý làm gì cho mệt. Con gái tuổi này khó hiểu lắm mày ơi!”
Mặc dù lớp trưởng nói vậy, Phong vẫn thường lén nhìn Nghi khi cô bạn đang thả hồn đâu đó bên tán phượng xanh biếc ngoài kia. Phong thích nhìn khuôn mặt bầu bĩnh, những sợi tóc mềm ánh nâu buông nhẹ trên vai, và nụ cười dịu dàng chưa bao giờ có khi Phong nói chuyện với Nghi. Chỉ lén thôi, chứ chưa bao giờ dám nhìn thẳng vào đôi mắt trong veo ấy.
Nhiều lần tim Phong như hẫng đi một nhịp khi gió nghịch ngợm ném tờ giấy Nghi đang để trên bàn ra xa, khiến cô bạn phải đuổi theo nhặt lại. Tà áo dài trắng bay phấp phới, như một thiên thần tinh khôi đang đùa giỡn với cánh bướm trắng trong vườn địa đàng.
3. Tổ chim sâu
Tháng 2, trời bắt đầu ấm lên, dã quỳ nở vàng rực như nắng. Nghi đến trường sớm, tìm cho mình một góc vắng cuối hành lang lầu 2, uống sữa và tranh thủ ôn lại bài. Một nhành cây loà xoà sà vào góc kẹt giữa hai dãy lớp, nâng đỡ một chiếc tổ chim kết bằng những sợi cỏ màu vàng nhạt. Ba quả trứng nhỏ xíu màu xanh sữa nằm yên bình bên nhau.
“Đừng đụng vào, cái tổ dễ rơi lắm đó!”. Một giọng nói trầm ấm quen quen cất lên bên cạnh Nghi. Là Phong.
– Phong tưởng chỉ có mình Phong là phát hiện ra cái này thôi chứ ^^.
Nghi rụt rè:
– Phong biết đây là tổ của chim gì không?
– Chim sâu. Hôm kia Phong lên còn thấy chim bố mẹ nữa.
– Ờ… vậy Phong biết khi nào trứng nở không?
– Chắc khoảng tuần sau…Chim sâu ấp khoảng 10 ngày là nở rồi.
– Uhm…
Đó là cuộc nói chuyện dài nhất giữa Phong và Nghi, tính đến thời điểm đó.
Đúng như Phong đã nói, một tuần sau, ba quả trứng nở thành ba chú chim non bé xíu xám xịt, với đôi mắt đen viền vàng và cái mỏ há hốc liếp chiếp đòi ăn. Nghi tì tay vào thành lan can, ngắm nhìn lũ chim nhỏ. Cảm giác bình an lan toả trong không gian.
– Chúng sẽ hạnh phúc – Phong thầm thì.
– Tại sao?
– Vì chúng có Nghi bảo trợ ^^
Nghi mỉm cười, nụ cười mát như kem sữa vào một ngày nóng bức. Phong nheo mắt, đôi mắt nâu lấp lánh sau cặp kính trắng: “Không phải sao?”. “Dĩ nhiên là không phải” – Nghi gật. “Vì còn có Phong nữa”.
4. Nghiêng.
Cái tổ chim sâu be bé đã trở thành đề tài mở đầu cho những cuộc nói chuyện giữa Phong và Nghi nhiều ngày sau đó. Những chú chim non lớn lên cùng với tình bạn giữa hai cô cậu học trò.
Nghi đã chịu nói chuyện nhiều hơn với bạn bè, cười nhiều hơn, vui vẻ hoà đồng hơn. Thay vì cứ khép kín như trước, thì Nghi đã chịu mở lòng để đón những tình cảm thân ái của mọi người.
Phong đã thôi ghen tị với cái cửa sổ, vì Nghi đã bớt chăm chú đến nó mà chia đều sự quan tâm cho cả Phong ^^. Bắt đầu từ một mối quan tâm có vẻ hết sức vớ vẩn là cái tổ chim, họ đã trở thành bạn thân. Còn chuyện sau này hai người có thay đổi theo chiều hướng khác hay không thì không biết. Chỉ biết rằng vào ngày Valentine 5 năm sau, cây phượng già đã chứng kiến cảnh một anh chàng đeo kính nói với một cô nàng có mái tóc màu nâu hạt dẻ ba từ mà-ai-cũng-biết-là-từ-gì-đấy.
Khi hai đường thẳng song song trong mặt phẳng muốn gặp nhau, thì ít nhất một trong hai đường thẳng phải bớt kiêu hãnh để nghiêng đi một chút. Nếu cứ khư khư cố chấp không chịu thay đổi, thì có muốn cũng không gặp được tri âm, dù người ấy có ngay bên cạnh.
Nguyễn Trà Giang